Gỡ khó cho doanh nghiệp nhập khẩu TĂCN

Sự gián đoạn trong nhập khẩu và sản xuất TĂCN ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhưng cũng mở ra cơ hội để tái cấu trúc và nhận ra những điểm khuyết giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

Thực trạng

Theo kết quả điều tra của Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có 218 cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp, với tổng công suất thiết kế ước đạt hơn 31 triệu tấn/năm. Trong đó có 71 doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng các doanh nghiệp này lại chiếm từ 65 – 70% thị phần TĂCN trong cả nước. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã chi hơn 806 triệu USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, giảm 18,09% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên liệu nhập khẩu gồm 349 nghìn tấn lúa mỳ, 211 nghìn tấn đậu tương, 263 nghìn tấn ngô. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại 40% là tự cung sẵn có trong nước. Hiện nay, toàn bộ ngô nhập về dùng cho sản xuất TĂCN; đậu tương hạt nhập về để ép lấy dầu, còn 80% bã dùng cho chăn nuôi. Việt Nam chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì (sắn). 

Một số vùng sản xuất TĂCN của nước ta không phát triển được vì năng suất cây trồng kém, người dân chưa tham gia vào chuỗi cung ứng TĂCN cho doanh nghiệp. Người trồng ngô lại thiếu các gói kỹ thuật sản xuất ngô cho từng vùng sinh thái nên năng suất còn thấp, giá thành cao, ít lợi thế cạnh tranh so với ngô ngoại nhập.

Khó khăn

Ngành sản xuất TĂCN là một mắt xích quan trọng trong hệ thống chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất TĂCN gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm. Phần lớn nguyên liệu sản xuất TĂCN phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra đã làm gián đoạn quá trình này, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó làm ngưng trệ sản xuất ra thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp cho biết, các nhà máy phải hoạt động dưới công suất từ 40 – 50%. Nghiêm trọng hơn, nếu dịch bệnh kéo dài, giá cả leo thang, trong nước không có nguồn nguyên liệu thay thế sẽ gây hậu quả về sản xuất đình trệ, giá thành sản phẩm cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn gặp khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông tiêu thụ trong nước trong thời gian cách ly xã hội. Có một nghịch lý đó là nước ta đứng thứ 7 trong tổng số 20 quốc gia sản xuất TĂCN lớn nhất thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, thực tế nước ta hằng năm vẫn phải chi khoảng 3 tỷ USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tham gia vào sản xuất TĂCN đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 60%. Ðây là nguyên nhân khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, và cũng giải thích cho giá TĂCN luôn tăng cao khoảng từ 15 – 20% so với các nước trong khu vực.

Tháo gỡ

Khi Việt Nam tham gia sâu vào hội nhập, sự cạnh tranh của thị trường chung khiến đầu tư của doanh nghiệp cũng như mức chênh lệch về giá TĂCN giữa thị trường thế giới và Việt Nam được kéo gần hơn về khoảng cách. Nguyên nhân do thuế nhập khẩu giảm khi các hiệp định thương mại có hiệu lực và sự cạnh tranh trong ngành này cũng góp phần ổn định thị trường hơn. Một trong những giải pháp đặt ra hiện nay để thúc đẩy sản xuất TĂCN là mở rộng nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu thô như: ngô, bã rượu, khô đậu, lúa mì chủ yếu được nhập từ Mỹ, Hà Lan, Brazil, Argentina, Ấn Độ… Một số nguyên liệu khác như khô dầu cọ, khô dầu cải thì được nhập từ Thái Lan, Indonesia… Trong khi đó, 100% nguồn nguyên liệu phối trộn được nhập từ Trung Quốc và Singapore. Dù vậy, dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu nhập, trong khi giá lại tăng cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp. Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, thực tế hiện nay, chi phí thu mua nguyên liệu sản xuất TĂCN ở các nước Đông Âu như: Nga, Ukraine… đang tốt hơn so với các quốc gia truyền thống kể trên. Vì vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn cần tính đến bài toán mở rộng thu mua nguyên liệu ở các thị trường mới, có ưu đãi về thuế, giá thành thấp thay vì phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Bộ NN&PTNT cần phải tổ chức lại hoạt động sản xuất TĂCN đối với các doanh nghiệp tham gia. Chính phủ xây dựng chính sách xem xét lại quy hoạch phát triển ngành TĂCN, cân đối giữa diện tích trồng cây TĂCN (ngô, sắn, cỏ…) với diện tích trồng cây trồng khác, hướng đến sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, cùng lựa chọn doanh nghiệp phù hợp tình hình chăn nuôi ở khu vực để mua chung đơn hàng, tiến tới mua trực tiếp của các nhà máy để hưởng ưu đãi về giá, không phải qua trung gian. Mặt khác doanh nghiệp, nhà nước và người chăn nuôi cần tiếp tục thực hiện chu trình khép kín “sản xuất – tiêu thụ” theo chuỗi giá trị, chú trọng giảm chi phí, phòng chống dịch bệnh tốt, tận dụng nguyên liệu sẵn có để giảm giá thành TĂCN, tăng khả năng cạnh tranh.

Nguồn: tapchigiacam.vn

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *