Khởi nghiệp – lối đi không trải hoa hồng

Từ năm 2016, Chính phủ đặt trọng tâm phát triển khối doanh nghiệp tư nhân vững mạnh và tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch cho Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố, Chính phủ Việt Nam phải thành Chính phủ kiến tạo và hành động để Việt Nam trở thành một “quốc gia khởi nghiệp” trong thời gian tới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, cụm từ khởi nghiệp đã và đang được nhắc đến, lan tỏa một cách rộng rãi khắp các tỉnh, thành cả nước với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp, từ mức trên 600 ngàn như hiện nay.

Kho lạnh bảo quản sản phẩm thịt gà sau giết mổ để đưa đi tiêu thụ tại Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh, huyện Trảng Bom.

Mặc dù vậy, những câu chuyện khởi nghiệp thành công luôn đầy nỗi niềm và hầu hết đều trải qua thất bại, như lời nhiều doanh nhân đúc kết: khởi nghiệp là câu chuyện thương trường đầy sóng gió chứ không phải là một lối đi trải sẵn hoa hồng…

Một trong những con số gây sốc mà Tổng cục Thống kê công bố là trong 100 DN thành lập, chỉ gần 10% DN duy trì kinh doanh được sau 3 năm, 91% DN phá sản, chứng tỏ con đường lập nghiệp đầy những chông gai, vất vả.

Câu chuyện khởi nghiệp của Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh cũng là câu chuyện truyền cảm hứng khi sau gần 20 năm lập nghiệp, ông Dương Anh Tuấn đã trở thành “vua” gà tam hoàng khu vực phía Nam với chuỗi chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Năm 2010, từ một DN nhỏ không tên tuổi, giữa lúc thị trường thịt gia cầm phần lớn bị chi phối bởi một số DN nước ngoài, Bình Minh đã vươn lên khẳng định được mình bằng cách nâng tổng đàn gà lên hơn 1 triệu con, chiếm 10% toàn bộ lượng gà tại Đồng Nai, cung cấp cho thị trường hơn 1 ngàn tấn thịt gà/tháng và là một trong những DN chăn nuôi đầu tiên của Đồng Nai đạt quy trình VietGAP, GlobalGAP.

Thương hiệu gà Bình Minh có mặt tại nhiều thị trường và vào được các hệ thống siêu thị lớn tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, khu vực Tây Nguyên và đang vươn ra thị trường miền Trung. Bình Minh cũng đã xây dựng được nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của riêng mình với số vốn hàng trăm tỷ đồng tại KCN Dầu Giây.

Ông Tuấn chia sẻ: “Tôi vào nghề chăn nuôi lúc hơn 20 tuổi. Sự thăng trầm của ngành chăn nuôi đã có lúc khiến tôi khốn đốn, gần như sạt nghiệp vào những năm 2003-2005 khi dịch cúm gia cầm hoành hành, phải tiêu hủy gần hết số gà đang nuôi. Nhưng tôi luôn nghĩ, khi nào người Việt còn ăn thịt gà thì tôi còn giữ nghề nuôi gà”. Sự kiên định ấy cùng với ý chí đã giúp ông thành công sau nhiều lần thất bại tưởng phải từ bỏ con đường lập nghiệp.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *