Vì sao thịt heo chưa giảm giá?

Người tiêu dùng trong nước kỳ vọng sau khi ASF được khống chế, giá thịt heo sẽ giảm mạnh tương đương mặt bằng giá trước khi có dịch, nhưng giá heo vẫn cao. Vậy đâu là nguyên nhân chính?

Chưa cân đối cung cầu

Theo Thống kê của Cục Chăn nuôi cho thấy, đến 2/3/2020, tổng đàn heo cả nước đạt 24 triệu con, bằng 77% so với tổng đàn heo trước khi có dịch (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018). Mặc dù dự báo nhu cầu thịt heo trong nước sẽ giảm khoảng 10% so với năm 2018 do người dân đã có thói quen chuyển sang dùng các loại thịt khác trong thời gian ASF bùng phát (năm 2019), tuy nhiên, với tốc độ tái đàn chậm như hiện nay khả năng sản xuất trong nước cũng chỉ đáp ứng khoảng 85 – 87% nhu cầu của thị trường nội địa, cho nên việc mất cân đối cung cầu thịt heo trong thời gian vài tháng tới là điều khó tránh khỏi. Bộ NN&PTNT đã làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước đề nghị giảm giá thịt heo vì giá thành sản xuất hiện nay chỉ khoảng trên dưới 40.000 đồng/kg trong khi giá bán vẫn khá cao trên dưới 80.000 đồng/kg, tuy nhiên điều này khó khả thi vì sản xuất hàng hóa nói chung và thịt heo nói riêng tuân theo quy luật thị trường, giá cả do thị trường tự điều tiết, mặt khác cũng cần chia sẻ với các doang nghiệp chăn nuôi vì họ bị thiệt hại lớn trong cả năm 2019.

– Nhập khẩu thịt heo gặp nhiều khó khăn:

Để giải quyết bài toán thiếu thịt heo trong nước, Chính phủ đã cho phép Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt trong quý I/2020, tuy nhiên đến hết tháng 2/2020 Việt Nam mới chỉ nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại, trong đó thịt heo và sản phẩm thịt heo chỉ đạt 13.816 tấn (tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019);

Khó khăn nhập khẩu

Theo chúng tôi có 3 nguyên nhân chủ yếu.

Một là, nguồn cung thịt heo thế giới giảm mạnh do ASF. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tính đến hết tháng 2/2020, do ảnh hưởng của ASF, đàn heo trên thế giới giảm khoảng 12%, trong đó Trung Quốc giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019, chính vì vậy nhiều nước trước đây có khả năng xuất khẩu thịt heo đến nay cũng chỉ đủ sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa.

Hai là, ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới (chiếm 35 – 40% tổng lượng tiêu thụ thịt heo). Do sản xuất trong nước giảm nên nhu cầu nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong năm 2020 (dự kiến chiếm 35% tổng lượng thịt heo xuất nhập khẩu trên thế giới), điều đó đã gây ảnh hưởng lớn đến các nước nhập khẩu thịt heo. Mặt khác, giá thịt heo ở nước này hiện rất cao nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu thịt heo với giá cao hơn (20 – 30%) so với các doanh nghiệp Việt Nam và họ thường nhập với khối lượng lớn, đặt hàng trước từ 6 tháng đến 1 năm nên các nhà nhập khẩu thịt heo Việt Nam khó có thể cạnh tranh.

Ba là, đại dịch COVID-19 xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu thịt heo. Đối với Việt Nam, điều này thể hiện ở 2 khía cạnh: Các nước truyền thống xuất khẩu thịt heo cho Việt Nam như: Canada (chiếm 33%), Đức (chiếm 25%), Brazil (chiếm 16%), Ba Lan (chiếm 15,8%), Mỹ (chiếm 7,8%)… đều bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh nên việc nhập khẩu thịt heo từ các nước này hầu như bị đình trệ. Mặt khác, việc tìm kiếm thị trường mới cũng gặp rất nhiều khó khăn do lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại làm cho các nhà nhập khẩu nước ta hầu như án binh bất động.

Để góp phần giải quyết khó khăn trên, theo chúng tôi cần triển khai một số giải pháp sau:

–  Cần sớm ban hành một số chính sách thúc đẩy chăn nuôi trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Bộ NN&PTNT xem xét đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách như ưu đãi thuế, cung cấp vốn không lãi hoặc lãi suất thấp, giãn nợ… Ngoài ra, cần có chính sách điều phối giữa các doanh nghiệp liên quan như doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp thu mua, giết mổ, các nhà bán hàng… góp phần hạ giá thành thịt heo.

–  Bộ Tài chính cần xem xét và sớm áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt heo từ Mỹ và một số nước khác, đồng thời chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo thuận lợi cho việc thông quan thịt heo nhập khẩu.

– Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao cần nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo các cơ quan liên quan tại Đại sứ quán các nước vào cuộc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nhà cung cấp thịt heo có uy tín với giá cả hợp lý ở các nước, nhất là nước ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có chính sách thông thoáng hơn trong xuất khẩu thịt heo.

Nguồn: tapchigiacam.vn

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *